terça-feira, 27 de outubro de 2015

Bảo tồn ca trù: Giống như xây một tòa tháp


Trình diễn một bản ca trù cổ mới được khôi phục tại Hội thảo.


NDĐT – Sau sáu năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay ca trù vẫn chưa ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. GS, TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian nói, phải có một đề án 10 năm, giống như xây 10 tầng tháp, mỗi năm đặt ra mục tiêu trao truyền, phổ biến được bao nhiêu thể cách, mới có thể xây dựng lại được tòa tháp ca trù như xưa.
Phải có sự vào cuộc của Nhà nước
Hội thảo Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức đã thu hút được rất nhiều nhà chuyên môn và nghệ nhân tham dự và có những đóng góp chất lượng.
Theo TS Nguyễn Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, “năm 2017 là thời hạn chúng ta phải báo cáo UNESCO về việc bảo tồn loại hình âm nhạc truyền thống này”, cho nên mọi việc đang trở nên cấp bách nếu không hành động ngay.
TS Nguyễn Thị Minh Lý cho biết, chặng đường bảo tồn ca trù đã làm được nhiều việc, nhưng vẫn thiếu một chiến lược. Gần với tình trạng của ca trù, hát xoan nằm trong danh sách của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2011, đến năm 2013, chính phủ đã phê duyệt đề án bảo vệ hát xoan đến năm 2020, và mọi việc cứ tuần tự làm theo đúng như trong đề án. Đến nay, sau những việc làm được, dự kiến hát xoan sẽ ra khỏi danh sách “cần bảo vệ khẩn cấp” và được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.
Đối với ca trù, theo TS Nguyễn Thị Minh Lý, điều quan trọng nhất là hiện nay vẫn còn thiếu một đề án bảo vệ cấp quốc gia, trong đó Hà Nội là nòng cốt và Hà Nội nên đi tiên phong. Hà Nội hiện nay có số lượng nghệ nhân và các câu lạc bộ nhiều hơn cả, có sức sống nhất nhì so với các 14 tỉnh, thành có ca trù. Trước hết phải đánh giá toàn diện xem ca trù hiện nay đã sống được chưa, nếu được thì có bền vững không. Nếu đã ra khỏi tình trạng khẩn cấp thì sẽ phải tiếp tục những biện pháp nào để bảo tồn.
TS Nguyễn Thị Minh Lý cho rằng, cần phải xây dựng một dự án (khoảng hai năm) để có báo cáo lên UNESCO về tình trạng của ca trù, từ đó có kết luận rằng ca trù đã ra khỏi tình trạng khẩn cấp.
Chung ý kiến này, PGS, TS Đỗ Thị Hảo (Hội Văn nghệ dân gian) cũng cho rằng Nhà nước và các hội nghề nghiệp cần để tâm đến ca trù, cần vào cuộc hơn nữa. Cần có một cuộc tổng kiểm kê về ca trù, các câu lạc bộ, các nghệ nhân, đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ các nghệ nhân. Bà Đỗ Thị Hảo cũng lưu ý, hiện nay các nghệ nhân ca trù tuổi đều đã cao, ngoài 80, 90 tuổi, mà cơ chế phong tặng danh hiệu thì phải đạt Nghệ nhân Ưu tú được 5 năm mới xét tặng Nghệ nhân Nhân dân. Như vậy là quá lâu, không thể chờ đợi được với nhiều cụ.
Việc đầu tư cho những người trao truyền cũng vô cùng quan trọng. TS Minh Lý phân tích, hiện tại mới có khoảng 50 người truyền dạy ca trù, con số này chưa nhiều. Theo TS Minh Lý, thành phố cần có chính sách tập trung đầu tư vào những người trao truyền trẻ tuổi, có sức khỏe, như vậy ca trù mới hay và sống lâu được.
Tiếng nói của nghệ nhân
Một thực tế hiện nay là việc trao truyền, học nghề của các nghệ nhân và người yêu ca trù hiện nay chưa được quan tâm nhiều, còn mang tính tự phát. CLB Ca trù Hà Nội của ca nương Bạch Vân tự thân vận động từ năm 1991, một mình chị Bạch Vân đi lại như con thoi, mời nghệ nhân cao tuổi đến dạy đàn, hát, vận động các nghệ nhân bỏ nghề quay trở lại, tổ chức các buổi biểu diễn, quảng bá ca trù… Nguyện vọng lớn nhất của ca nương Bạch Vân là được Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm hơn, tăng cường được thời lượng tuyên truyền về ca trù trên các phương tiện thông tin đại chúng, được hỗ trợ kinh phí để duy trì sinh hoạt thường xuyên và đào tạo lớp trẻ.
Cũng như ca nương Bạch Vân, nghệ nhân Nguyễn Thị Thúy Hòa (CLB Thái Hà) cho rằng, các cơ quan liên quan cần lên tiếng về chế độ đãi ngộ với nghệ nhân ca trù, để họ không phải lo toan mưu sinh mà toàn tâm toàn ý truyền dạy và bảo tồn di sản văn hóa này. Ca nương Thúy Hòa cũng cho rằng, ca trù rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong việc mở rộng không gian trình diễn như cửa đình, hội quán…
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoa (CLB ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội) đề đạt ý kiến cần có chương trình truyền dạy, phổ biến trong trường học để lớp trẻ hiểu và yêu cái đẹp của ca trù. Hiện tại, CLB không tạo ra được kinh phí để duy trì học tập. Chính quyền địa phương có quan tâm và hỗ trợ, nhưng cũng chỉ dừng ở mức cấp cho loa đài để đi dự Liên hoan ca trù toàn quốc, còn lại kinh phí CLB tự lo.
GS,TS Tô Ngọc Thanh cho rằng, trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhân dân đã gìn giữ ca trù rất tốt, “nhưng ca trù là một tòa lâu đài, mà hiện tại chúng ta mới xây được một tầng thôi. Muốn xây lại tháp bằng lực lượng con cháu chúng ta hiện nay, phải có một dự án mười mấy năm, mỗi tầng một năm, như vậy mới mong gìn giữ và bảo vệ được di sản ca trù…”.

Nenhum comentário:

Postar um comentário